Gửi Yêu Cầu

Vui lòng điền đầy đủ thông tin yêu cầu chi tiết theo mẫu dưới đây để được giải đáp thắc mắc của bạn!

ĐẶT LỊCH

Vui lòng điền đầy đủ thông tin yêu cầu chi tiết theo mẫu dưới đây để redsunland giải đáp thắc mắc của bạn!

Sức hút của bất động sản công nghiệp xanh

07/03/2024
Thị trường bất động sản công nghiệp tại Việt Nam đang ghi nhận sự gia tăng về nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trong đó, bên cạnh các nhà đầu tư truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… Việt Nam đang đón thêm vốn từ các nhà đầu tư mới đến từ Tây Âu, Bắc Mỹ.

I. Bất động sản công nghiệp thu hút nguồn vốn FDI

Số liệu thống kê từ của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, tính đến cuối tháng 7/2023, nguồn vốn FDI đầu tư vào Việt Nam đạt 13,43 tỷ USD, trong đó, lĩnh vực bất động sản thu hút được 1,53 tỷ USD giữ vị trí thứ 3 trong các ngành, lĩnh vực. Điển hình, tháng 2/2023, tỉnh Nghệ An đã trao chủ trương đầu tư cho Dự án VSIP Nghệ An 2, vốn đầu tư 150 triệu USD và ngày 1/8 vừa qua, UBND tỉnh Nghệ An đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án Sản xuất hợp kim nhôm cho Công ty TNHH Innovation Precision (thuộc Tập đoàn Shandong Innovation Metal Techonology) với tổng mức đầu tư 165 triệu USD. Theo kế hoạch trong tháng 8/2023, dự án sẽ đi vào xây dựng nhà xưởng và đến tháng 10/2024 sẽ hoàn thành, đi vào hoạt động.

Nhận định về bức tranh bất động sản (BĐS) công nghiệp, bà Trang Lê – Giám đốc cấp cao khối nghiên cứu và tư vấn, JLL Việt Nam đánh giá, thị trường BĐS công nghiệp đang thu hút rất nhiều sự quan tâm và tham gia đầu tư của các nhà đầu tư lớn. Hiện có hơn 15 nhà đầu tư tham gia phát triển đầu tư BĐS công nghiệp, còn ở các nước khác chỉ có khoảng 5-6 nhà đầu tư.

Cũng theo nhìn nhận của giới chuyên gia ngành địa ốc, xu hướng vốn FDI vào Việt Nam đang có sự chuyển dịch từ các nhà đầu tư. Theo Cục Đầu tư nước ngoài, bên cạnh các nhà đầu tư truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… Việt Nam đang có cơ hội đón thêm vốn từ các nhà đầu tư đến từ Tây Âu như Đức, Hà Lan, Pháp, Tây Ban Nha. Các nhà đầu tư thuộc khu vực Bắc Mỹ cũng hiện diện nhiều hơn. Dòng vốn này đặc biệt tập trung vào ngành năng lượng tái tạo. Mới đây nhất, một hiệp hội công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ với 32 thành viên đã đến Việt Nam để tìm hiểu môi trường, địa điểm cho dịch chuyển sản xuất chip, bán dẫn.

II. Chú trọng các khu công nghiệp xanh

Có thể thấy, lĩnh vực BĐS công nghiệp vẫn luôn thu hút dòng vốn ngoại (FDI) trong suốt thời gian qua. Đáng chú ý, các nhà đầu tư gần đây quan tâm nhiều hơn đến BĐS xanh. Giới chuyên gia cho hay, các nhà đầu tư thứ cấp ngày càng quan tâm đến phát triển bền vững và sử dụng năng lượng tái tạo do áp dụng thuế carbon.

Theo bà Trang Lê, hiện tại, Việt Nam đã có loại hình nhà xưởng, nhà kho với chất lượng tương đương các nước khác trong khu vực, thậm chí có những dự án còn tích hợp những công năng xanh. Đây là tiền đề quan trọng thu hút các nhà đầu tư lớn.

Dù vậy, nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh các cơ hội để Việt Nam đón dòng đầu tư dịch chuyển thì cũng còn không ít những rào cản, thách thức.

Đầu tháng 7/2023, khi công bố Chỉ số Niềm tin kinh doanh (BCI) quý II/2023, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã chỉ ra một loạt vấn đề mà nhà đầu tư châu Âu tại Việt Nam đang phải đối mặt. Đó là tình trạng thiếu điện, sự “không tương xứng” của hạ tầng và cả những rào cản liên quan đến các quy định không rõ ràng, các thủ tục hành chính rườm rà…

Để thu hút mạnh dòng vốn FDI chất lượng cao vào Việt Nam trong lĩnh vực BĐS, ông Paul Tonkes – Phó giám đốc điều hành khối bất động sản công nghiệp, Công ty Indochina Kajima Development (ICCK) gợi ý, Việt Nam nên có hệ thống xếp hạng và chứng nhận các khu công nghiệp, tương tự như khung Eco-Industrial Parks (EIP) hoặc chứng nhận LEED. Nhờ đó, khách thuê có thể biết được chính xác chất lượng sản phẩm và họ có thể góp phần giảm thiểu carbon trong chuỗi cung ứng ở mức độ nào.

Đồng thời, việc xếp hạng và chứng nhận này cũng sẽ giúp những nhà phát triển BĐS công nghiệp có nhiều động lực và trách nhiệm để xây dựng một hệ sinh thái chuỗi cung ứng lành mạnh.

Giới chuyên gia cho rằng, các tập đoàn lớn có các yêu cầu rất cao về môi trường. Họ cần cung cấp năng lượng sạch, bền vững để sản phẩm đạt tiêu chuẩn xanh, được cấp chứng chỉ để xuất khẩu sang các thị trường khắt khe nhất. Bởi vậy, họ cũng đòi hỏi Việt Nam phải có các khu công nghiệp đáp ứng đủ các yêu cầu này. Do đó, chúng ta phải chú trọng xây dựng những khu công nghiệp xanh để tăng lực hút các nhà đầu tư.

Theo cafef

Hotline
0913 612 525